Trị giun sán từ cây quả, bạn đã thử chưa?

Trị giun sán từ cây quả, bạn đã thử chưa?

Đu đủ, mướp, hạt bí ngô, hạt cau, trâm bầu... đều là những loài cây rất dễ tìm thấy trong tự nhiên giúp điều trị giun sán hiệu quả.

Giun sán là căn bệnh thường xuất hiện ở người, là thủ phạm gây nên tình trạng thiếu máu, thiếu chất, áp xe gan, xuất huyết, viêm đường mật... nguy cơ có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có nhiều loại, phổ biến như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim… Ngoài yếu tố vệ sinh không sạch sẽ, thì việc tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiễm ký sinh trùng cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh cao. 

Tại Việt Nam, theo điều tra của các Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng và các tỉnh thành từ năm 2013-2017, tỷ lệ nhiễm giun trên cả nước trong những năm qua vẫn ở mức cao. Tỷ lệ nhiễm chung các loại giun ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trung bình khoảng 65%, Đồng bằng sông Hồng khoảng 41%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%, Đông Nam Bộ khoảng 13% và Đồng bằng sông Cửu Long 10%. Đối tượng nhiễm cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Đặc biệt trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm giun cao tại các tỉnh như Quảng Trị 27% - 47,5%, Điện Biên 33,2%, Kon Tum 22,6%, Lai Châu 23,5%, Yên Bái 19,2%.

Vậy làm thế nào để hạn chế bệnh giun sán? Hãy cùng tham khảo một số cách điều trị từ cây quả sau đây.

Đu đủ

Đu đủ nhiều vitamin A, C và E và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho rằng, nhựa đu đủ có chứa men papain có thể dùng để điều chế thành thuốc trị giun sán như giun đũa, giun kim, sán lợn. Tuy nhiên loại thuốc này chống chỉ định cho người bị chứng đau dạ dày. Trong điều trị giun kim, có thể ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, ăn liên tục 3-5 ngày, sẽ khỏi.

Hạt bí ngô

Hạt bí ngô có chứa các a-xít amin, dầu béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất cũng được dùng để làm thuốc trị giun sán rất hiệu quả.

Bằng cách bóc lớp vỏ cứng của hạt, giữ lại lớp màng xanh ở trong. Người lớn dùng thì lấy khoảng 150-300g nhân, giã nhỏ, thêm 50-100g mật ong trộn đều rồi dùng. Còn với trẻ nhỏ 3-4 tuổi ăn 30-50g nhân hạt, 7 - 10 tuổi dùng 100-150g. Khuyến khích dùng khi đói, rồi nằm nghỉ. Hạt bí ngô tươi sẽ hiệu quả hơn hạt bí ngô khô.

Khi có dấu hiệu đi ngoài, các bác sĩ khuyên rằng bạn nên sử dụng bô chứa nước ấm, nhúng cả phần mông vào nước để giun sán bò ra hiệu quả hơn.

Hạt cau

Để đạt hiệu quả cao hơn trong việc điều trị giun sán, bạn có thể kết hợp phương pháp hạt bí ngô với hạt cau. Do hạt cau chứa các alkaloid arecolin tác động trực tiếp tới thần kinh con sán, gây tê liệt các cơ trơn của chúng, và làm cho chúng không bám vào thành ruột được mà bị tống ra ngoài. Vì vậy sau 2 giờ uống hạt bí ngô thì uống nước sắc hạt cau với lượng 30g đối với trẻ em từ 10 tuổi trở xuống, với phụ nữ và đàn ông bé nhỏ, dùng 50 - 60g, người lớn 80g. Cho hạt cau vào sắc với 500ml nước. Sắc còn 150ml, gạn lấy nước. Gạn, lọc và uống phần nước trong. Sau khi uống nước hạt cau 30 phút thì uống liều thuốc tẩy với 30g magnesi sulfat. Nằm nghỉ, khi muốn đi ngoài thì cũng tiến hành theo cách các bác sĩ chỉ ở trên.

Dược sĩ Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền viện (YHCT) Quảng Nam cho biết: “Hạt bí ngô khi được phối hợp nước sắc hạt cau sẽ làm tê liệt khúc giữa và đuôi con sán. Uống vào lúc sáng sớm, trong tình trạng bụng đói, giun sán trong bụng bệnh nhi sẽ được đẩy ra ngoài”.

Vỏ rễ cây lựu

Các nghiên cứu cho thấy, vỏ rễ của cây lựu có tác dụng mạnh trong việc điều trị sán. Đó là nhờ vào pelletierine, isopelletierin kết hợp với tanin tạo thành một chất không tan có thể diệt trừ giun sán. Bằng cách: Vỏ lựu khô tán vừa phải 60g, nước cất 750g, ngâm trong 6 giờ. Sau đó sắc còn 500g rồi gạn, lọc lấy nước trong, chia làm 2-3 lần uống vào sáng sơm, cách nửa giờ uống 1 lần, sau khi uống liều cuối cùng được 2 giờ thì uống 1 liều thuốc tẩy nhẹ. Sau đó nằm nghỉ cho đến khi có nhu cầu đi ngoài, thực hiện cách như với bí ngô ở trên.

Trâm bầu

Nếu bạn ở nông thôn, hẳn sẽ không xa lạ gì với quả cây này. Quả trâm cũng được cho là có tác dụng chữa giun đũa rất hiệu quả. Quả trâm bầu với lá mơ tam thể, lượng bằng nhau, thái nhỏ, trộn đều, thêm bột vào làm bánh, hấp lên, ăn vào sáng sớm lúc đói là phương pháp trị giun đơn giản, dễ thực hiện.

Cây keo

Hạt keo chứa 12-14% chất nhầy, chất đường, prôtit, chất béo và chất leuxenola, có tính chất amino phenolic. Thời thuộc pháp, hạt keo có được thí nghiệm dùng trị giun đũa ở bệnh viện đồng Thủy (cơ sở của bện viện 108 hiện nay) kết quả thấy có tác dụng trị giun với liều lương 50g một ngày.

Trong đông y, hạt keo điều trị giun đũa bằng cách rang hạt keo cho đến khi nở, rồi tán bột, nấu nước uống. Đối với người lớn, có thể uống tới 25-50g vào buổi sáng lúc đói, uống liền 3 buổi sáng. Trẻ em 3-5 tuổi uống 5g một ngày, uống liền 3 ngày;  6-10 tuổi 7g một ngày.

Cây sử quân tử

Cây sử quân tử có tên khoa học là Quisqualis indica L, trong dân gian còn gọi là cây quả giun, dây giun, quả nấc, có tác dụng tẩy được giun đũa. Nghiền thành bột hạt quả sử quân, cho trẻ em uống từ 5-10 g, người lớn uống từ 10-20 g. Uống liên tục trong 3 ngày vào buổi sáng.

Mướp

Mướp chứa nhiều dưỡng chất như chất xơ, vitamin C, riboflavin, đồng, thiamin, sắt và magiê. Đông y cho rằng mướp có vị ngọt, tính bình, không độc, bổ tỳ lợi thủy, giải độc sát trùng.  Trong điều trị giun sán: Dùng 40-50 hạt mướp, trẻ em cần giảm liều, bỏ vỏ để lấy nhân ăn lúc đói hoặc giã nát rồi uống chung với nước, mỗi ngày 1 lần, dùng trong ba ngày liên tục.

Bài viết liên quan