Cẩn thận giọt bắn từ Covid-19 có thể bay xa đến 8 mét

Cẩn thận giọt bắn từ Covid-19 có thể bay xa đến 8 mét

Các chuyên gia cảnh báo, để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 thì khoảng cách 2 mét thông thường khi giao tiếp xã hội có thể là không đủ an toàn.

Một nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ mới đây vừa tiết lộ những giọt bắn chứa Covid-19 có thể bay xa đến tận 8 mét.

Đánh dấu vòng tròn để người dân giữ khoảng cách khi đi mua hàng tại Ấn Độ (ảnh: CNN)

Dựa trên mô hình động lực học của luồng khí nhiễu loạn, các khuyến nghị về cách biệt 1 đến 2 mét có thể chưa đánh giá đủ khoảng cách, khả năng di chuyển luồng không khí mang theo mầm bệnh.

Giọt bắn chứa virus corona chủng mới phát ra khi ho hoặc hắt hơi có thể di chuyển trong không khí với vận tốc cực đại là từ 10 – 30m/s và bắn xa khoảng 7-8 m, gấp 4 lần khoảng cách được cho là an toàn hiện nay, nghiên cứu của MIT cho biết.

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, việc nhân viên y tế sử dụng khẩu trang là rất quan trọng để ngăn lây nhiễm virus, tuy nhiên, họ cần phải chú ý cả khoảng cách an toàn với người bệnh.

Trong một số trường hợp, nhân viên y tế không mặc đồ bảo hộ đã bị lây Covid-19 dù đứng cách bệnh nhân hơn 2 mét vì cho rằng virus không bay xa tới vậy.

Nguyên nhân tình trạng mất khứu giác của bệnh nhân mắc Covid-19

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Y Harvard (Mỹ), Covid-19 thường xâm nhập vào mũi, họng của người bệnh qua các giọt bắn mang theo virus. Khi xâm nhập vào mũi, loại virus này có khả năng tấn công nhiều tế bào mũi có vai trò cảm nhận mùi và gây mất khứu giác.

Mất khứu giác là triệu chứng quan trọng để nhận biết một người có thể đã bị nhiễm COVID-19. Tại các nước chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, đã có không ít bệnh nhân nhiễm virus không biểu hiện các triệu chứng thường gặp như sốt, ho và đau nhức cơ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, sức đề kháng cao.

Nghiên cứu của Đại học Y Harvard phát hiện trong mũi người có nhiều tế bào riêng biệt giúp COVID-19 xâm nhập vào cơ thể. Việc các tế bào này bị nhiễm trùng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khứu giác.

Sau khi COVID-19 xâm nhập vào mũi, họng, virus sẽ tấn công dần xuống vùng hô hấp dưới (phổi, khí quản, phế quản) biểu hiện bệnh của người nhiễm sẽ bắt đầu trở nặng.

Nghiên cứu Trung Quốc: Trẻ em mắc Covid-19 khó phát hiện hơn so với người lớn

Trẻ em có xu hướng xuất hiện các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn khi mắc Covid-19 và cũng khó phát hiện hơn so với người lớn, nghiên cứu mới ở Trung Quốc cho biết. Theo một bài báo đăng trên tờ Lancet hôm 25/3, một nghiên cứu tiến hành trên 36 trường hợp trẻ em mắc COVID-19 ở tỉnh phía đông Chiết Giang cho thấy có 10 trẻ tương ứng với 28% không có triệu chứng, 7 trẻ có triệu chứng nhẹ.

Một số tỉnh của Trung Quốc đã mở cửa lại các trường học và chuẩn bị cho trẻ đi học lại vào tháng 4. Ảnh: AFP

Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí y học The New England Journal of Medicine tháng 3 cũng có kết quả tương tự. Trong số 171 trẻ em mắc COVID-19 ở Vũ Hán, có 27 trẻ tương ứng với 15,8% không có triệu chứng hoặc không có triệu chứng ngay lập tức, 12 trẻ khác có dấu vết viêm phổi khi chụp X-quang nhưng không có triệu chứng lây nhiễm.

Các nhà nghiên cứu tại Chiết Giang cho biết tỷ lệ lớn trẻ em không có triệu chứng cho thấy khó khăn trong việc xác định bệnh nhân nhi vì không có thông tin dịch tễ rõ ràng, có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng khá nguy hiểm.

Chuyên gia y tế người Canada Alyson Kelvin và Scott Halperin nhận định, nghiên cứu Chiết Giang chỉ ra vai trò tiềm tàng của trẻ em trong việc lây lan virus. "Phát hiện quan trọng nhất từ những phân tích đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy, trẻ em dễ bị mắc [COVID-19] nhưng thường không có triệu chứng rõ rệt, khiến gia tăng khả năng trẻ em có thể là tác nhân gây ra lây nhiễm", Kelvin và Halperin bình luận trong bài nghiên cứu.

Trẻ sơ sinh tử vong có liên quan tới Covid-19 ở Mỹ

Theo CNA đưa tin, Thống đốc bang Illinois, ông JB Pritzker nói trong cuộc họp báo ngày 28/3 rằng "một đứa trẻ sơ sinh" nằm trong số các trường hợp tử vong liên quan đến virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ trước tại Mỹ.

Cơ quan Y tế bang Illinois cho biết đứa trẻ chết ở Chicago và chưa đầy một tuổi đã thử nghiệm dương tính với COVID-19.

Ảnh: AFP / Philippe Huguen

"Chưa bao giờ có một cái chết liên quan đến COVID-19 ở trẻ sơ sinh", Tiến sĩ Ngozi Ezike, giám đốc Cơ quan Y tế bang Illinois (IDPH) cho biết. "Một cuộc điều tra đầy đủ đang được tiến hành để xác định nguyên nhân cái chết. Chúng tôi phải làm mọi cách có thể để ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người này. Không chỉ để bảo vệ chính mình, mà là để bảo vệ những người xung quanh."

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ sơ sinh tử vong có liên quan tới COVID-19. Tại Trung Quốc, một đứa trẻ 10 tháng tuổi mắc căn bệnh này đã chết 4 tuần sau khi được đưa vào Bệnh viện Vũ Hán, theo một báo cáo ngày 18/3 được công bố trên Tạp chí Y học New England.

Mặc dù khi đại dịch xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo rằng không có nhóm tuổi nào miễn nhiễm với virus nhưng căn bệnh do virus corona chủng mới gây ra vẫn nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi.

Nga phát triển thuốc điều trị Covid-19

Ngày 28/3, Cơ quan Y Sinh Liên bang Nga công bố họ đã tạo ra một loại thuốc có thể điều trị COVID-19. Trung tâm nghiên cứu và sản xuất Pharmzashchita thuộc cơ quan này đã đưa ra phác đồ điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 dựa trên thuốc chống sốt rét Mefloquine, có tham khảo kinh nghiệm của các nước Trung Quốc và Pháp.

Bà Veronika Skvortsova, người đứng đầu cơ quan này cho biết thuốc có tính chọn lọc cao, ngăn chặn sự nhân lên của virus trong các tế bào và kết quả là ngăn chặn quá trình viêm do virus gây ra. Việc bổ sung kháng sinh macrolide và penicillin tổng hợp không chỉ ngăn ngừa sự hình thành của hội chứng vi khuẩn thứ cấp mà còn cho phép tăng nồng độ của các chất chống vi rút trong huyết tương và phổi.

"Điều này sẽ đảm bảo điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới ở nhiều mức độ khác nhau", bà Skvortsova nói. Hiện nghiên cứu này đang được đề xuất để được đưa vào hướng dẫn của Bộ Y tế Nga.

Dịch từ CNA/thoidaiplus.giadinh.net.vn

Bài viết liên quan