Covid-19 có thể lây thứ cấp qua đường tiêu hóa?

Covid-19 có thể lây thứ cấp qua đường tiêu hóa?

Covid-19 có thực sự lây thứ cấp qua đường tiêu hóa hay không? Phải làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh đang là thắc mắc chung của nhiều người.

Các chuyên gia thế giới hiện nay xác định con đường chính lây nhiễm Covid-19 là từ dịch được ho ra từ người bệnh. Điều này khiến chúng ta ‎tập trung nhiều vào bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) đặt nghi vấn, tiêu chảy có thể là con đường lây truyền thứ phát của virus corona mới.

Nhóm tác giả này lấy dẫn chứng, 14 trong số 138 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán ban đầu có triệu chứng chướng bụng, tiêu chảy và buồn nôn 1 hoặc 2 ngày trước khi có triệu chứng sốt và khó thở. Thêm nữa, bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ được chẩn đoán mắc nCoV cũng trải qua tình trạng tiêu chảy trong 2 ngày và virus này sau đó đã được phát hiện trong phân của bệnh nhân. Các trường hợp tương tự ở Trung Quốc đã được ghi nhận trong “Tuần san y khoa tổng quan The Lancet”, nhưng không phổ biến.

Các chuyên gia y tế thuộc Bệnh viện Nhân dân của Đại học Vũ Hán và Viện virus học Vũ Hán thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo Covid-19 có thể truyền nhiễm qua hệ tiêu hóa. Kết luận này dựa trên việc tìm thấy acid nucleic của virus trong chất bài tiết và trực tràng sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, chủng mới của virus corona còn có khả năng truyền nhiễm qua đường phân - miệng nhất định.

Hiện nay, tuy chưa có những bằng chứng cụ thể từ việc virus Corona lây truyền qua đường tiêu hóa, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa đưa ra khuyến cáo chính thức về kết luận này, nhưng điều đó một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong bối cảnh Covid-19 lây lan nhanh chóng. TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới BV Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho biết, ăn uống là con đường lây nhiễm còn bỏ ngỏ. Với riêng loại virus nCoV này, chưa có bằng chứng cụ thể lây qua ăn uống, nhưng cần hiểu cơ chế như thế và cũng không loại trừ. Chính vì vậy, ngành y tế đã có khuyến cáo cần chú ý ăn uống thực phẩm đã được nấu chín, không được ăn sống.

Để giảm nguy cơ mắc Covid-19, mọi người nên thực hành thói quen trong ăn uống và sinh hoạt lành mạnh và hợp vệ sinh: thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn, tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị sốt và ho, hạn chế bắt tay, cần thực hành an toàn thực phẩm. Sử dụng thớt và dao riêng để chế biến thịt sống khi nấu ăn, rửa sạch tay khi chế biến, xử lý thực phẩm tươi sống và đồ ăn chín. Ngoài ra, không ăn thịt động vật ốm hoặc chết. 

“Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là việc tuân thủ đúng phương pháp phòng hộ cá nhân. Vật dụng nào các bạn nghi ngờ thì không nên tiếp xúc. Còn lại, vật dụng nấu chín ở nhiệt độ 80-100 độ C trong 5 phút thì có thể diệt được virus”, ông Hùng khẳng định.

Bài viết liên quan