Khẩu trang y tế đã sử dụng không thể tái chế

Khẩu trang y tế đã sử dụng không thể tái chế

Khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác không tái sử dụng được.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các cơ sở tập kết khẩu trang y tế đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng. Chưa rõ các đối tượng sử dụng số khẩu trang này vào việc gì, nhưng không loại trừ trường hợp tung ra thị trường để “tái sử dụng”. Nếu xảy ra điều đó thì rất nguy hiểm cho những người mua phải và sử dụng. 

Khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác không tái sử dụng được.

Ngày 28/2, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh, TP HCM phát hiện một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thu gom, tập kết 780kg khẩu trang “lỗi”, chưa qua sử dụng. Trước đó, tại Hà Nội, lực lượng chức năng cũng phát hiện một trường hợp thu mua 620kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng về cất giấu. Mục đích các đối tượng sử dụng số khẩu trang này vào việc gì, hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh khiến khẩu trang y tế khan hiếm và bị đẩy giá như hiện nay, thì việc thu gom khẩu trang của các đối tượng trên khiến nhiều người hoang mang và hoài nghi về mục đích sử dụng của chúng.

Chị Đỗ Huyền Trang, một người dân ngụ tại Quận 12 lo ngại: "Rất nguy hiểm. Người ta đã đeo qua một lần rồi mình không biết là họ có mang vi khuẩn hay không. Cho dù không có dịch thì bình thường đã không nên rồi, còn trong dịch như thế này thì càng không tốt".

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác và không còn tác dụng phòng bệnh. Thậm chí, khẩu trang đã qua sử dụng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, chứ không chỉ riêng dịch bệnh Covid-19. 

"Mặt trước, mặt trong của khẩu trang y tế có thể bám rất nhiều loại bệnh. Nguy cơ nhiều nhất là bệnh lao, vì vi khuẩn lao tồn tại rất lâu trong môi trường. Do vậy, có thể lây rất nhiều bệnh, từ các bệnh về hô hấp, cúm, cho đến đường tiêu hóa. Tất cả các tác nhân gây bệnh đều có thể bám vào khẩu trang", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Về góc độ luật pháp, Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, việc một số cá nhân, tổ chức thu gom khẩu trang đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng để bán lại là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm, tùy mức độ hành vi và thiệt hại gây ra cho xã hội. Để xử lý hành vi này thì cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vì cơ quan cảnh sát điều tra đã ngăn chặn ngay từ đầu khi các đối tượng chưa đưa số khẩu trang đã qua sử dụng trở lại thị trường nên rất khó để xử lý hình sự, nhưng vẫn có thể xử phạt hành chính.

"Trong trường hợp chưa có đủ yếu tố cấu tạo để khởi tố hình sự, thì hoàn toàn có thể xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo điểm B khoản 6 điều 20 nghị định 155 năm 2016 của chính phủ với mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn, sinh hoạt và công nghiệp thông thường không đến địa điểm tập kết theo quy định", luật sư Cường nói.

Thu gom, tập kết khẩu trang đã qua sử dụng, khẩu trang lỗi dù để dùng vào việc gì thì cũng phải điều tra, làm rõ và ngăn chặn. Trong trường hợp không bị phát hiện và số khẩu trang này được đưa ra thị trường để tái sử dụng thì trở thành nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Theo VOV

Bài viết liên quan