Thoát vị đĩa đệm là một trong những căn bệnh về xương khớp thường gặp nhưng ít ai nhận ra để điều trị sớm, làm ảnh hưởng đến việc di chuyển thậm chí liệt hoàn toàn.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?
Theo cấu tạo giải phẫu cơ thể người thì cột sống có 23 đĩa đệm, bao gồm: 11 đĩa đệm lưng, 5 đĩa đệm cổ, 4 đĩa đệm thắt lưng và 3 chuyển đoạn. Đây là bộ phận nằm giữa đốt sống với cấu tạo gồm nhân nhầy, mâm sụn và vòng sợi. Trong đó, bao xơ là lớp vỏ cứng bên ngoài có vai trò bảo vệ cột sống. Nhân nhầy có vị trí bên trong bao xơ và tồn tại dưới dạng lỏng giúp đĩa đệm co giãn.
Đĩa đệm thường có hình dạng thấu kính lồi 2 mặt, đóng vai trò co giãn giúp đốt xương không bị va chạm khi di chuyển. Bên cạnh đó, đĩa đệm còn giúp cột sống không gặp phải những chấn động mạnh nguy hiểm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm ở giữa hai đốt sống bị lệch vị trí, chèn ép dây thần kinh tủy sống, gây đau buốt.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí cấu tạo bình thường bên trong đốt sống. Nếu vòng sợi bị rách hoặc mất khả năng chun giãn, nhân keo có thể bị dịch chuyển về phía sau hoặc sang hai bên, chèn ép vào tủy sống hoặc dây thần kinh, gây triệu chứng đau thần kinh.
Nguyên nhân của bệnh thoát vị đĩa đệm
Theo nhiều số liệu thống kê, độ tuổi dễ mắc thoát vị đĩa đệm nhất từ 20- 55 tuổi. Bệnh xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới với tỷ lệ 82%. Nguyên nhân bệnh thoát vị đĩa đệm bắt nguồn do nhiều yếu tố khác nhau.
- Thoái hóa sinh học (tuổi càng cao, đĩa đệm càng mất nước, dễ bị bào mòn)
- Nghề nghiệp (nha sĩ, công nhân, dân văn phòng, nông dân... phải cúi lâu, bê vác vật nặng nhiều đều dễ bị thoát vị đĩa đệm).
Bê vác vật nặng nhiều dễ bị thoát vị đĩa đệm
- Những thói quen sai tư thế như quá ưỡn, quá khom, vẹo cột sống... (đeo túi nặng lệch vai, ngồi vắt chéo chân, gối đầu quá cao khi ngủ…).
- Chấn thương (ngã ngồi dập mông xuống đất, tai nạn khi chơi thể thao hoặc tham gia giao thông...).
- Di truyền (người có cấu tạo cột sống yếu dễ di truyền sang con cái)
- Chế độ sinh hoạt không hợp lý (hút thuốc, ăn uống thiếu chất hoặc thức khuya, stress...).
- Người thừa cân, béo phì khiến cột sống chịu nhiều áp lực, đĩa đệm nhanh bị tổn thương.
Biểu hiệu thường gặp của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ đĩa đệm nào, phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm giữa các đốt sống lưng (L4 – L5) và đốt sống cổ (C5 – C6).
Thoát vị đĩa đệm gây đau buốt sống lưng, lan ra các vùng khác. Bệnh làm cản trở sinh hoạt thường ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Giai đoạn đầu dễ bị nhầm lẫn với các cơn nhức mỏi cơ thông thường. Lúc này nhân nhầy của đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng phần bao xơ bên ngoài vẫn chưa bị rách hoàn toàn, do đó nhiều người chỉ cảm thấy tê cứng nhẹ ở lưng hoặc cổ. Theo thời gian, đĩa đệm phình ra, vòng bao xơ dần suy yếu và nhân nhầy nhanh chóng thoát ra tạo nên một khối thoát vị. Cơn đau bắt đầu xuất hiện khi khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh.
Giai đoạn nặng: Khi dây thần kinh ngày càng bị chèn ép, cơn đau tại vùng thắt lưng, hông và cổ ngày càng dai dẳng. Có người bệnh đau dữ dội nhưng cũng có người lại đau âm ỉ. Khu vực đau còn lan dọc từ thắt lưng xuống mông, mặt sau chân, bàn chân hoặc đau lan từ vùng cổ sang vai gáy, xuống cánh tay, khuỷu tay và bàn tay. Mức độ đau tăng khi hắt hơi, ho, nằm nghiêng, đại tiện, quay hoặc cúi người, vận động mạnh, mang vác nặng và giảm khi nằm hoặc nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh còn bị tê bì các đầu ngón tay, ngón chân, cảm giác châm chích như kiến bò.
Giai đoạn nguy hiểm: Bao xơ đĩa đệm bị phá vỡ và nhân nhầy biến dạng hoàn toàn, người bệnh phải đối diện với hội chứng chùm đuôi ngựa, mất kiểm soát đại tiểu tiện, biến chứng teo cơ, tê liệt, thậm chí là tàn phế.
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không ?
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh nguy hiểm bởi những hệ lụy mà nó mang lại cho người bệnh nếu không được điều trị dứt điểm. Cùng với những trở ngại trong sinh hoạt, thoát vị đĩa đệm còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Rối loạn vận động: Cột sống là nơi tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng, liên quan trực tiếp tới khả năng vận động của con người. Khi bị thoát vị đĩa đệm dẫn đến cột sống bị tổn thương không chỉ gây ra những cơn đau nhức khó chịu mà còn khiến vận động hạn chế.
- Mất cảm giác và phản xạ gân cơ: Khi cơn đau ngày càng trở nên nhức nhối, xuất hiện với tần suất dày đặc thì sẽ gây ra hiện tượng co cứng cơ, mất cảm giác. Phản xạ của cơ thể cũng bị hạn chế khi người bệnh gặp biến chứng này.
- Rối loạn tiểu tiện: Là biến chứng thường gặp khi thoát vị đĩa đệm tiến triển nặng. Không chỉ gây mất cảm giác chi, bệnh còn khiến người bệnh mất khả năng phản xạ khi đại, tiểu tiện.
- Teo cơ: Thoát vị đĩa đệm không chỉ làm ảnh hưởng đến cột sống mà còn chèn ép, khiến máu không được lưu thông đến các bộ phận trên cơ thể. Trong đó, các cơ bắp sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và teo dần. Về lâu dài, biến chứng này gây cản trở đến khả năng lao động, sinh hoạt của người bệnh.
- Bại liệt vĩnh viễn: Là biến chứng nghiêm trọng nhất của thoát vị đĩa đệm. Khi gặp phải biến chứng này, người bệnh mất hoàn toàn khả năng vận động và chỉ có thể nằm bất động một chỗ.
Thoát vị đĩa đệm có thể khiến người bệnh bị liệt, phải ngồi xe lăn suốt đời.
Theo các bác sĩ, đĩa đệm một khi đã thoát vị thì rất khó có thể trở lại vị trí hoàn toàn như ban đầu. Thoát vị đĩa đệm chỉ được coi là chữa dứt điểm khi được thay một đĩa đệm mới. Vì vậy, không tồn tại khái niệm chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này.
Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời, đúng cách, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm hoàn toàn có thể phục hồi đến 95% so với thể trạng ban đầu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần kiên trì điều trị, áp dụng đúng phương pháp và có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
Chẩn đoán bệnh
- Chụp x quang: Hình ảnh của phim chụp x quang sẽ cho thấy những tổn thương tại đốt sống, xương sụn…
- Chụp cộng hưởng từ: Cho bác sĩ thấy hình ảnh của đĩa đệm thoát vị với độ chính xác cao.
- Chụp cắt lớp vi tính: Cho những hình ảnh của đĩa đệm thoát vị và những tổn thương gặp phải.
Điều trị và phòng tránh thoát vị đĩa đệm như thế nào?
Đối với điều trị bằng Tây y, người bệnh thường được chỉ định sử dụng một số loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm như thuốc giảm đau (paracetamol, meloxicam…), thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, naproxen...), thuốc giãn cơ (myonal, decontractyl...), nhóm vitamin và omega 3...
Trong trường hợp nhân nhầy chèn ép rễ thần kinh nặng, gây teo cơ và đau dữ dội, người bệnh được chỉ định phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng các phương pháp như mổ hở hoặc mổ nội soi. Ngoài ra, tùy vào nguyên nhân và triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định dùng sóng cao tần, tia laser, tia hồng ngoại, chữa bằng tế bào gốc…
Đối với điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Đông y, người bệnh có thể áp dụng vật lý trị liệu giúp kéo giãn cột sống, phục hồi đĩa đệm hoặc những phương pháp thực hành phổ biến như châm cứu, xoa bóp, massage, bấm huyệt, giác hơi, chườm nóng, tắm bùn…
Bên cạnh đó, một số bài thuốc dân gian chữa thoát vị đĩa đệm quen thuộc như ngải cứu, lá lốt, thiên niên kiện, xương rồng, cỏ xước… cũng điều trị khá tốt nếu được gia giảm theo tỷ lệ hợp lý.
Các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm như chim yến bay, tập bò, tư thế con mèo, châu chấu… là liệu pháp cần thiết trong quá trình điều trị.
Cách phòng tránh bệnh như sau:
- Rèn luyện thể lực: Bằng cách thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, cơ thể bạn sẽ luôn khỏe mạnh, hạn chế quá trình lão hóa và nguy cơ mắc bệnh xương khớp.
- Làm việc đúng tư thế: Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần thay đổi những thói quen xấu là cách bảo vệ đĩa đệm thiết thực nhất. Với những người thường xuyên ngồi làm việc thì nên vận động và thay đổi tư thế.
- Chế độ dinh dưỡng: Bên cạnh chế độ sinh hoạt, người bệnh thoát vị đĩa đệm nên chú ý thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày, hạn chế những thực phẩm có hại và tăng cường món ăn có lợi cho sự phát triển xương khớp.