Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng & điều trị

Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng & điều trị

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý khá phổ biến, xảy ra ở cả hai giới. Với những biến chứng nguy hiểm, bệnh có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Suy giãn tĩnh mạch (SGTM) ở người trên 30 tuổi là 20-25% ở phụ nữ và 10-15% ở nam giới. Thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới ghi nhận, khoảng 30 - 40% dân số trưởng thành mắc bệnh này và có tới 65% dân số không hề biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám bác sỹ (báo cáo nghiên cứu Vein Consult Program - Vietnam 2011).

Suy tĩnh mạch, theo lý thuyết có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Kể cả ở tay, nhưng trên thực tế phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ở chi dưới tức chân do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.

Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Ở Việt Nam có dự đoán bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống.

Bệnh có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh khác, nguy cơ xảy ra với mỗi người lại cao. Bệnh suy tĩnh mạch là bệnh mãn tính, thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi - do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới.

Bệnh giãn tĩnh mạch là hậu quả của sự hư hại các van trong lòng tĩnh mạch, làm cho máu chảy theo một chiều trái ngược với thông thường. Khi các tĩnh mạch giãn, sẽ kéo các van và làm cho tình trạng hở các van nặng thêm. Hậu quả là làm tăng áp lực trong tĩnh mạch, gây nên tình trạng viêm tĩnh mạch, giãn các tĩnh mạch và các biến chứng khác.

Nguyên nhân gây nên suy giãn tĩnh mạch

Nguy cơ mắc phải căn bệnh này khá cao vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.

  • Tuổi tác: nguy cơ bị giãn tĩnh mạch tăng dần theo tuổi của bạn do các mạch máu và van điều tiết máu trong mạch dần dần bị thoái hóa, lão hóa.
  • Giới tính: phụ nữ trải qua sự thay đổi hormone do mang thai, điều trị bằng liệu pháp thay hormone và dùng thuốc tránh thai. Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi mãn kinh;
  • Tiền sử gia đình: trong gia đình bạn từng có người bị giãn tĩnh mạch;
  • Béo phì: huyết áp cao và xơ vữa mạch máu do bị thừa cân sẽ khiến bạn không chỉ bị giãn tĩnh mạch mà còn tăng nguy cơ nhiều bệnh tim mạch khác;
  • Đứng hoặc ngồi nhiều trong thời gian dài.
  • Do thói quen mặc quần quá chật, mang giày cao gót ở phụ nữ.
  • Do quá trình mang thai, phụ nữ càng mang thai nhiều lần, khả năng bị giãn tĩnh mạch càng lớn.
  • Do táo bón, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin…

Triệu chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch

Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân giãn tĩnh mạch có thể thay đổi và nhiều bệnh nhân có thể không có hay biểu hiện triệu chứng rất ít. Các triệu chứng biểu hiện chưa rõ tại chỗ tĩnh mạch giãn như đau ngứa hay cảm giác nóng bỏng. Triệu chứng ở chân bị giãn tĩnh mạch như đau chân, mỏi chân, sưng chân. Các triệu chứng thường nặng lên khi về cuối ngày, đặc biệt là sau khi đứng lâu.

Giai đoạn đầu: Các triệu chứng ban đầu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cũng thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, vọp bẻ, chuột rút vào buổi tối, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Giai đoạn tiến triển bệnh: Sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Da khô và ngứa, vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng, da mỏng hơn, lở loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần mắt cá chân. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da,…

Chẩn đoán bệnh

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng của suy tĩnh mạch chân, nên đến khám và theo dõi tại các phòng khám chuyên khoa tim - mạch máu để được hướng dẫn để được bác sĩ chẩn đoán.

Siêu âm Doppler (siêu âm màu) mạch máu 2 chi dưới cho phép thấy hình ảnh đoạn tĩnh mạch bị giãn, các van tĩnh mạch bị suy mất chức năng và thấy được có cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch hay không.

Biến chứng của bệnh

Có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Có ba biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải nếu không được điều trị đúng cách là:

Huyết khối (máu đông): bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng, đi lại rất khó khăn, có thể không đi lại được, chuột rút về đêm, sưng to và đau buốt cẳng chân. Nguy hiểm nhất là có thể xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, trôi về tim và gây tắc mạch máu phổi có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Xuất huyết (chảy máu): Các tĩnh mạch giãn to dần đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu.

Loét chân: Giai đoạn cuối có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

Bên cạnh đó, cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy để phòng tránh bệnh là nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30-60 phút.

Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân để máu lưu thông tốt.

Uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả tươi, chất xơ, vitamin.

Tránh mặc quần bó sát, đi giày dép thoải mái.

Nên tập thể dục để giảm cân như: đi bộ với tốc độ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.

Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch

Mang vớ y khoa dành cho bệnh giãn tĩnh mạch.

Liệu pháp xơ hóa: bác sĩ tiêm thuốc làm cứng tĩnh mạch bị giãn, thuốc khiến cho tĩnh mạch bị mất chức năng và điều chỉnh lưu thông máu sang các tĩnh mạch khác khỏe hơn.

Phẫu thuật: phẫu thuật thường là tiểu phẫu (phẫu thuật laser, cắt đốt trị liệu, phẫu thuật nội soi và các thủ thuật khác). Các mạch máu sẽ được lấy ra hoặc thắt lại để ngưng hoạt động.

Các phương pháp này có một kết quả chung là loại bỏ những tĩnh mạch bị giãn ra khỏi hệ thống tuần hoàn, làm những tĩnh mạch này không còn chức năng đưa máu về tim.

Nhưng những phương pháp can thiệp này cũng không điều trị khỏi hoàn toàn bệnh suy giãn tĩnh mạch, bệnh vẫn tái phát đi tái phát lại, không dứt điểm được, bắt buộc phải kiêng kỵ và điều trị lâu dài.

Bài viết liên quan