Ngộ độc thực phẩm phải xử lý thế nào?

Ngộ độc thực phẩm phải xử lý thế nào?

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn ăn các thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố hoặc bị biến chất. Nếu không xử lý kịp thời có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Diễm Hà - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - thì ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tùy theo tác nhân gây ngộ độc. Hậu quả của ngộ độc thực phẩm thường gặp trong trường hợp nhẹ là bị mất nước, mệt mỏi; trường hợp nặng gây sốc, tổn thương cơ quan và thậm chí tử vong.

Những nguyên nhân điển hình 

Thức ăn nhiễm vi sinh vật có hại

Các loại thực phẩm chế biến trong điều kiện vệ sinh kém hay sau khi chế biến, để lâu ngày và bảo quản trong điều kiện không đảm bảo, dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn, kí sinh trùng, nấm mốc, nấm men, và các độc tố do chúng tiết ra, khiến thức ăn bị biến chất, thay đổi về màu sắc, mùi vị.

Nhiều loại vi sinh vật có hại nhiễm vào thực phẩm: Amip, Esherichia coli, Staphylococcus aureus, Samonella… Các loại rau sống có thể bị nhiễm khuẩn Amip gây ra bệnh lỵ Amip, hay vi khuẩn Esherichia coli gây ra bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, vi khuẩn E. coli khi ăn cá, rau tươi, hay nguồn nước bị ô nhiễm, vi khuẩn này gây tiêu chảy sau bữa ăn từ 24-48 giờ.

Các vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm có thể có trong các loại thức ăn

Do độc tố có sẵn trong thực phẩm

Vi khuẩn Staphylococcus aureus hay Samonella có thể gây ngộ độc nếu chúng ta ăn thịt gia cầm, trứng chưa được nấu chín. Một số loại thực phẩm có chứa độc tố bên trong như cá nóc, mật cá trắm, khoai tây mọc mầm, măng, sắn, cà chua xanh hay nấm... Ngộ độc các thực phẩm này thường do người sử dụng thiếu kỹ năng trong quá trình sơ chế hay chưa có kiến thức khi nhận biết, phân loại thực phẩm.

Do quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm

Vi khuẩn Staphylococcus aureus có thể nhiễm từ tay, da người sang thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm khi đã qua sơ chế hoặc nấu chín mà không được bảo quản đúng cách, hay được sử dụng khi đã quá hạn sử dụng cũng có thể gây ngộ độc, tiêu chảy...

Do các chất phụ gia thực phẩm

Các chất phụ gia thực phẩm như chất tạo màu, hương liệu, chất bảo quản… đặc biệt là các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây ngộ độc. Một số vụ ngộ độc là do ăn phải thức ăn thiu, thối nhưng có ướp các chất phụ gia khiến người tiêu dùng không phân biệt được.

Do thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu

Các loại thực phẩm từ thực vật nếu không tuân thủ đúng theo nguyên tắc và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể tồn dư chất độc trong nó. Khi ăn phải các loại thực vật chứa chất độc đó, chúng ta sẽ có nguy cơ bị ngộ độc cao. 

Dấu hiện của ngộ độc thực phẩm

Các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay lập tức hay một vài giờ sau khi ăn thức ăn nhiễm độc, tùy thuộc vào lượng chất độc và bản chất của chất độc ăn phải.

Thông thường, một người được chẩn đoán hay nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm khi thấy có các biểu hiện sau đây:

- Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng đầu tiên gặp phải khi bị ngộ độc thực phẩm, các cơn đau bụng dữ dội, co thắt, căng cứng bụng.

- Nôn: Đây là dấu hiệu sớm và điển hình khi bị ngộ độc thực phẩm, là phản ứng nhất thời của cơ thể nhằm đẩy các tác nhân ngộ độc ra khỏi cơ thể và cũng là biểu hiện khi ống tiêu hóa bị kích thích bởi các chất gây độc.

- Có máu lẫn trong phân hoặc chất nôn.

- Tiêu chảy.

- Sốt.

- Đau đầu.

- Thay đổi thị lực, mắt nhìn mờ, lảo đảo, choáng váng.

- Mất nước, khô miệng, khô môi, khát nước, tiểu ít.

- Chán ăn, mệt mỏi.

Khi nôn nhiều (trên 5 lần) và tiêu chảy nhiều lần (trên 5 lần), cơ thể mất nhiều nước, dẫn đến mất cân bằng nước, điện giải, trụy tim mạch, dễ gây ra sốc nhiễm khuẩn với trường hợp ngộ độc do vi khuẩn, kiếm tra thấy mạch nhanh, thở nhanh, người mệt mỏi, yếu sức, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.

Xử lý thế nào khi bị ngộ độc thực phẩm?

- Gây nôn: Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, nếu người còn tỉnh táo, tiến hành gây nôn để tống chất độc ra ngoài. Bằng cách dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn.Khi gây nôn để đầu nằm nghiêng hoặc cúi đầu thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

- Không uống thuốc kìm tiêu chảy, để đi ngoài hết có thể loại bỏ tác nhân ngộ độc.

- Uống nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước, vì vậy cần tiến hành bù nước bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh. 

- Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau.

- Khi các dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời: rửa dạ dày (chậm nhất là sau 4 đến 6 giờ sau khi nhiễm độc); uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc, ngăn không cho chất độc thấm vào máu; uống thuốc tẩy sunfat magnesium hay sorbitol để loại bỏ chất độc còn lại trong ruột và than hoạt tính qua đường phân...

- Sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm và hồi phục, bổ sung dinh dưỡng bằng cách cho ăn các loại thức ăn mềm, dễ ăn, ít chất béo như chuối, cháo, súp gà, khoai tây, rau luộc, nước ép trái cây loãng, đồ uống thể thao… Việc bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thức ăn sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Yogurt chính là thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi nhất.

- Bổ sung nhiều nước và điện giải, tránh sốc, trụy tim mạch, bằng cách uống 1 lít nước có pha oresol. Bạn có thể thay thế bằng công thức 1 thìa cà phê muối + 4 thìa cà phê đường + 1 lít nước.

- Nghỉ ngơi nhiều hơn do bệnh và mất nước khiến bạn yếu đi và mệt mỏi.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

- Ăn thức ăn thịt cá tươi sống, rau quả tươi, trứng còn nguyên vẹn không nứt vỏ, trứng cũ.

- Không ăn đồ hộp đóng gói, nếu ăn phải nấu chín kỹ các thức ăn đồ hộp trước khi ăn.

- Không ăn bơ, sữa hay các sản phẩm từ bơ sữa để quá lâu.

- Thịt cá tươi cần bỏ vào bao sạch để vào ngăn đá của tủ lạnh. Nếu lấy ra nấu thì cần ăn hết, không nên lấy ra rã đông rồi cất lại để dành.

- Thức ăn để tủ lạnh chỉ dược 1 - 2 ngày là không nên ăn nữa vì vi khuẩn có thể sinh sản trong đó.

- Thức ăn có mùi lạ phải bỏ đi.

- Không ăn cá thịt ươn hay vừa mới bắt đầu ươn.

- Khi đi du lịch, cẩn thận khi ăn uống dọc đường.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Bài viết liên quan