Dẹp bỏ nỗi lo bệnh gout

Dẹp bỏ nỗi lo bệnh gout

Cuộc sống hiện đại đem lại cho chúng ta những tiện nghi hơn, những món ăn cũng càng ngày càng phong phú hơn. Và chính chúng ta, người được thừa hưởng những tiện nghi tinh mỹ do cuộc sống mang lại đó, dần dần trở nên ít vận động cơ thể, thay vào đó là những thói quen ăn uống không lành mạnh mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe. Trong đó bệnh gout là căn bệnh dễ mắc phải nhất và cũng gây ra nhiều đau đớn và khó chịu nhất cho người bệnh.

Bệnh gout biểu hiện như thế nào?

Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối Urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp. Đa phần bệnh nhân khi điều trị dứt được cơn đau đều tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển bên trong.

Nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều và nặng hơn. Ở giai đoạn muộn, có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt tophi (tiếng Anh là topus) xung quanh khớp, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.

  • Bênh gout thường gặp ở nữ giới sau tuổi mãn kinh và ở nam giới có tiền sử uống nhiều bia rượu, ăn nhiều đồ ăn giàu chất đạm, gia đình có người bị bệnh gout (yếu tố di truyền).
  • Nguyên nhân là do bất thường về gien, do yếu tố di truyền hoặc cơ địa, do các bệnh về thận làm giảm đào thải acid uric qua đường tiết niệu. Ngoài ra còn do thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ, ăn nhiều thực phẩm giàu đạm (thịt bò, trứng lộn, tôm, cua, ghẹ…), uống nhiều bia rượu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gout.
  • Đàn ông có nhiều khả năng mắc bệnh gout hơn phụ nữ, do cac gen bị trục trặc thường có ở nam. Tuy nhiên, phụ nữ cũng vẫn bị mắc gout như thường. Các yếu tố có nguy cơ khác bao gồm béo phì, tiền sử gia đình, bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa, nghiện rượu và sử dụng của một số thuốc (Aspirin, thuốc lợi tiểu).
  • Thông thường người ta ít khi phát hiện ra mình đang bị gout, chỉ khi có những đau đớn do cơn gout cấp mang lại mới chịu đi khám và điều trị.

Bệnh gout triệu chứng là gì?

Có thể có cơn đau mãn tính và hình thành cục tophi (do tinh thể Urat lắng đọng trong mô mềm). Ở giai đoạn đầu tiên của bệnh thường là không có triệu chứng nào ngoại trừ nồng độ acid uric trong máu cao.

Các triệu chứng đầu tiên thường gặp là ngón cái sưng đỏ và đau nhức. Thường thì cơn đau sẽ xảy đến sau một tác động vật lý nào đó tại chỗ bị đau, hoặc sau một buổi ăn nhậu, tiệc tùng). Đau thường xuất hiện ở các khớp bao gồm các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Các tinh thể muối urate gây viêm khớp, dẫn đến sưng đỏ, nóng, đau, và cứng khớp.

Hầu hết các bệnh nhân có các cơn đau tái phát trong vòng vài năm, tuỳ theo thể trạng và lối sống sinh hoạt của từng người, mà thường là từ 1-3 năm. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau khớp cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp, khớp tổn thương lâu dần sẽ mất khả năng vận động.

Chẩn đoán

Gout thường được chẩn đoán lâm sàng bằng cách chọc hút dịch khớp và tìm tinh thể muối Urat dưới kính hiển vi. Cách thông thường để nhận biết đối với bệnh nhân xuất hiện cơn gout cấp đầu tiên là cho uống Colchicine. Sau một vài giờ, thuốc có tác dụng giảm đau, thì có thể đó là gout. Trong cơn gout cấp, nồng độ Acid uric máu có thể bình thường chứ không nhất thiết phải tăng cao. Do đó, không thể sử dụng xét nghiệm máu để loại trừ chẩn đoán gout cấp. Tuy nhiên, có thể giám sát nồng độ Acid uric máu để theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị thể hiện ở nồng độ Urat trong máu giảm.

  • Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của cơn gout cấp là sưng tấy, nóng, sốt, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp, thường thấy là ở khớp ngón chân, mắt cá chân, cổ tay, ngón tay. Khi cơn gout giảm, lớp da quanh vùng khớp bị đau có thể bong tróc ra hoặc gây ngứa.
  • Có những trường hợp bị gout nhưng khớp ít đau và chuyển sang thể mãn tính, trong trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh viêm khớp.
  • Bệnh gout nếu không phát hiện và được điều trị triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều và nặng hơn.

Cho nên khi thấy có triệu chứng nghi ngờ về bệnh gout, cần đi thăm khám, chọc hút dịch khớp để tìm tinh thể urat, hoặc xem người bệnh có đáp ứng với thuốc colchicine. Xét nghiệm hàm lượng acid uric trong máu cũng là phương pháp kết hợp để chẩn đoán sớm và theo dõi trong quá trình điều trị bệnh.

Điều trị gout như thế nào?

Sau khi chẩn đoán gout được xác định, một số loại thuốc sẽ được chỉ định trong điều trị cơn gout cấp. Đối với hầu hết các bệnh nhân, thuốc tốt nhất trong cơn gout cấp là thuốc kháng viêm không phải Steroid (NSAID). Có thể sử dụng thuốc thay thế NSAIDs là colchicine (chú ý colchicine có nhiều phản ứng phụ) dùng 2-3 lần / ngày, dùng càng sớm càng tốt. Đôi khi, steroid được sử dụng để điều trị bệnh gout. Nếu các cơn gout cấp xảy ra thường xuyên và nặng hơn, cần can thiệp y tế kịp thời. Điều cần lưu ý là các bệnh nhân mạn tính, sau khi bị mắc gout trong một thời gian dài mà không chữa khỏi, sẽ có thể kéo theo một số bệnh khác như suy thận, gan, phù nề giữ nước.

Việc lạm dụng thuốc giảm đau để cắt các cơn gout cấp, hoặc sử dụng thuốc để chữa các bệnh này một cách không có kiểm soát sẽ làm cho bệnh gout thêm nặng hơn.

Phòng ngừa gout

Đối với bệnh nhân thừa cân và béo phì cần áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm mỡ. Nghiên cứu cho thấy giảm cân có thể làm giảm nồng độ acid uric và giảm xuất hiện các cơn gout cấp.

  • Chế độ ăn bệnh gout cần giảm đạm (thịt ăn không quá 150g/ngày), đặc biệt cần hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều purin như phủ tạng động vật (lòng lợn tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi)… các loại thịt có màu đỏ và các loại hải sản.
  • Nếu bạn nghiện rượu, bạn nên giảm hoặc ngưng hoàn toàn. Uống nhiều bia hoặc rượu mạnh làm tăng cơ hội mắc bệnh gout Cụ thể, việc uống rượu nhiều sẽ làm sản sinh Acid lactic. Acid lactic sẽ tranh chấp đào thải với Acid uric, làm cho lượng Acid uric không thể thoát ra ngoài hoặc thoát với khối lượng không đủ.
  • Uống nhiều nước từ 2-3 lí mỗi ngày (nước lọc, nước hoa quả, sữa), đặc biệt là nước khoáng có kiềm để tăng cường đào thải acid uric qua nước tiểu. Nên tránh ăn thực phẩm có nhiều purin (như cá cơm, cá mòi, thịt ngỗng…) vì chúng cũng có thể gây tăng Acid uric.
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả như xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa chuột, dưa gang, khoai tây, cà chua, măng, rau actiso. Nên ít ăn các loại đậu và chế phẩm từ đậu.
  • Có thể ăn trứng, sữa và các chế phẩm phomat trắng không lên men…
  • Sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh môi trường quá lạnh, tránh mệt mỏi cả tinh thần và thể chất (lao động quá mức, chấn thương…). Cần tập thể dục phù hợp và duy trì liên tục như: đi bộ, bơi, cầu lông, bóng bàn, đạp xe…
  • Ngoài ra, ở lứa tuổi 30 trở lên, nên tránh những thay đổi đột ngột của cơ thể, như đang nóng mà tắm nước lạnh, sốc cơ thể … có thể sẽ là tác nhân để sự chuyển hoá từ Acid uric thành muối Urat diễn ra.
  • Cần tránh dùng một số thuốc có thể làm tăng acid uric máu.
  • Thuốc dự phòng cơn gout cấp: Colchicin, allopurinol, thiopurinol, benemid, uricozym…

Nếu bạn đang thừa cân hay béo phì thì việc giảm cân qua ăn uống lành mạnh và thường xuyên hoạt động thể chất là điều rất quan trọng.

Biến chứng của bệnh gout

  • Hạt tophi: Đây là biểu hiện của gout mạn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, giảm tự tin giao tiếp xã hội, giảm chức nặng vận động khớp.
  • Đường vào của vi khuẩn gây nhiễm trùng khớp, nếu trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch do corticoid thì rất dễ nhiễm trùng huyết. Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Sỏi urat thận.
  • Tăng suy thận, viêm thận kẽ, viêm đài bể thận, nhiễm trùng hệ tiết.
  • Suy thận mạn: Làm giảm thải acid uric, tăng nguy cơ bị cơn gout cấp.
  • Viêm tĩnh mạch nông chi dưới.
  • Tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu, béo trung tâm...
  • Viêm loét dạ dày tá tràng, ruột non. Tăng đông ở bệnh nhân bị chứng mạch vành.
  • Các biến chứng do dùng colchicin: Tiêu chảy cấp, đặc biệt khi dùng quá liều. Các biến chứng do bị dị ứng thuốc (như allopurinol, kháng sinh...).
  • Bệnh nhân bị gout thường có cơ địa rất dễ bị dị ứng. Thậm chí có bệnh nhân dị ứng tất cả các thuốc điều trị gout.
  • Thuốc giảm đau làm giảm thải acid uric qua thận nên làm acid bị tích tụ lại thành các hạt tophi, bệnh trở nên mãn tính.
  • Một loạt các tác dụng phụ khác của corticoid: làm tăng nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, đục thủy tinh thể, xuất huyết tiêu hóa, suy thượng thận.

Bài viết liên quan