Thoái hóa đốt sống cổ là gì, điều trị thế nào?

Thoái hóa đốt sống cổ là gì, điều trị thế nào?

Thoái hóa đốt sống cổ phổ biến ở người cao tuổi và đang gia tăng ở giới trẻ. Nếu bạn luôn gặp tình trạng đau đầu và đau vai gáy, hãy tìm cách điều trị ngay.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ bắt đầu là hiện tượng hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng, dần dần về sau xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, vai gáy, nhất là khi vận động vùng cổ.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là cổ cứng, không linh hoạt, đau cổ, lan dần xuống vai, đau ở các khớp cổ và vai, đôi lúc đau đầu không rõ nguyên nhân… khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Theo các chuyên gia xương khớp, bệnh thoái hóa đốt sống cổ được chia thành 10 mức độ như sau:

  • Cấp độ 1: Ngửa đầu nhìn lên thì có cảm giác bị cứng và đau ở cổ.
  • Cấp độ 2: Thường xuyên đau mỏi cổ, có thể còn lan sang cả vai và lưng.
  • Cấp độ 3: Khi tỉnh dậy có cảm giác vận động cổ khó, đau, khó chịu ở cổ.
  • Cấp độ 4: Cánh tay có dấu hiệu tê, đôi lúc có cảm giác mờ mắt.
  • Cấp độ 5: Dáng đi mất tự nhiên, xiêu vẹo, thậm chí thị lực giảm, khó có thể đi trên một đường thẳng.
  • Cấp độ 6: Cánh tay và vùng cổ, vai bị hạn chế hoạt động. Thậm chí không thể cầm bút viết như bình thường được.
  • Cấp độ 7: Gặp trở ngại rất lớn trong việc cầm đũa.
  • Cấp độ 8: Đi lại không sức lực, cảm giác không trọng lượng.
  • Cấp độ 9: Mất khả năng kiểm soát đại tiện, tiểu tiện.
  • Cấp độ 10: Cấp độ cuối là cấp độ nguy hiểm nhất, người bệnh chỉ có thể nằm yên một chỗ.

Biến chứng thoái hóa đốt sống cổ

Mất ngủ, dễ cáu gắt: Giai đoạn đầu thường chỉ gây đau vào ban ngày khi vận động và giảm đau khi được nghỉ ngơi. Khi bệnh nặng, các sụn và xương dưới sụn không được tái tạo kịp thời làm cho người bệnh mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, dễ cáu gắt thậm chí dễ bị tăng huyết áp và đột qụy.

Chèn ép rễ thần kinh: Nguyên nhân là do các rễ thần kinh cổ từ tủy sống bị chèn ép gây ra các cơn đau nhức vùng cổ, gáy; các cơn đau này còn lan sang cả vai, truyền xuống cánh tay, bàn tay và đến các ngón tay.

Thiếu máu não: Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu tới não, khiến cho việc cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng não bị giảm. Bệnh kéo theo tình trạng thiếu năng lượng hoạt động, làm ảnh hưởng đến cấu trúc, sự tồn tại và phát triển của hệ thần kinh trung ương. Hậu quả của quá trình thoái hóa đốt sống cổ có thể chèn ép động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu đến nuôi dưỡng các tế bào thần kinh. Thiếu máu não có thể gây ra một số triệu chứng như: khó nói, nói đớ, yếu liệt tay chân, tê nửa người, hoa mắt, chóng mặt, mất khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, méo miệng… Trường hợp nặng, thiếu máu não rất nguy hiểm bởi nó có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như liệt nửa người (có nhiều mức độ khác nhau), thậm chí dẫn tới đột tử.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Thoái hóa cột sống cổ có thể làm nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí trung tâm, gây bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh gây ra nhiều đau nhức trên diện rộng, cơn đau khởi phát tại một hoặc 2 đốt sống cổ sau đó lan ra vùng bả vai, cánh tay hoặc lan lên sau đầu và hốc mắt, làm giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, kinh tế gia đình.

Gai cột sống cổ: Gai cột sống (gai xương) là tình trạng xuất hiện những mỏm gai ở mặt trước, hai bên của đốt sống, đĩa sụn và các dây chằng chủ yếu do viêm khớp mạn tính, thoái hóa tự nhiên và sự lắng đọng canxi lâu ngày. Bệnh phát triển khi bề mặt sụn ở cột sống xù xì và mỏng dần, xương dưới sụn bị biến đổi hình dạng, cấu trúc sẽ dễ hình thành và phát triển các gai xương. Khi người bệnh cử động, các gai xương sẽ cọ sát các mô mềm xung quanh cột sống cổ như cơ, gân, dây chằng hoặc chèn ép các dây thần kinh làm tăng mức độ đau nhức. Cơn đau sẽ truyền xuống hai tay hoặc hai chân, đau tăng mạnh hơn khi làm việc, đi lại và lao động.

Thoái hóa đốt sống cổ điều trị thế nào?

Thoái hóa đốt sống cổ nếu được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ kiểm soát bệnh rất tốt. Chủ yếu là điều trị triệu chứng và ngăn không cho tình trạng thoái hóa tiến triển thêm.

Các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ tập trung vào việc giảm đau cổ vai gáy, giảm nguy cơ tổn thương vĩnh viễn, từ đó giúp người bệnh có một cuộc sống bình thường. Một số phương pháp phổ biến trong điều trị như:

Vật lý trị liệu: Bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ đưa ra chương trình và hướng dẫn các bài tập để tình trạng thoái hóa được cải thiện. Phương pháp này được đánh giá cao trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ, tuy nhiên, bệnh nhân cần kiên trì tập luyện theo chương trình được bác sĩ đưa ra.

Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu là thuốc giảm đau và các loại thuốc ngăn không cho bệnh tiến triển nặng.

Phẫu thuật cột sống: Những trường hợp bị thoái hóa nặng, điều trị Nội khoa không mang lại hiệu quả thì có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật cột sống.

Một số lưu ý trong phòng và điều trị

  • Thay đổi tư thế làm việc sai lệch khi ngồi làm việc trước màn hình vi tính, hoặc ngồi xem ti vi lâu. Không nên ngồi cúi gấp cổ quá lâu, ngồi tàu xe đường dài cần có bản tựa đầu và tựa lưng.
  • Khi thấy mỏi không nên có động tác vặn bẻ cổ đột ngột vì những động tác này dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng mạch, dây thần kinh vùng cổ, sẽ làm tăng nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ. Thay vào đó, bạn cần đi đến các chuyên khoa thần kinh để xác định bệnh chính xác để điều trị.
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không nên đội đồ nặng lên đầu

Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh dễ mắc phải trong xã hội hiện đại. Hãy tích cực, chủ động thay đổi lối sống lành mạnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Bài viết liên quan