Tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những căn bệnh điển hình của thời đại.
Bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc phải tiểu đường nếu chúng ta không ăn uống điều độ, khoa học. Ban đầu, bệnh gây ra cảm giác khó chịu và phiền phức cho người bệnh như: đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước, sụt cân bất thường, dễ nhiễm trùng, thị lực giảm… Đặc biệt, người mắc ĐTĐ thường cảm thấy rất mệt mỏi khi phải thay đổi thói quen trong ăn uống, xem thức ăn như một cực hình, nhưng nếu không nghiêm túc thực hiện các biện pháp chữa trị, thì những hậu quả mà bệnh ĐTĐ gây ra lại cực kỳ nguy hiểm, có thể kể đến như: bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại tử, mất khả năng lao động và tử vong.
Có nhiều giải pháp đã được đưa ra trong phòng chống và điều trị bệnh ĐTĐ. Hầu hết đều gắn liền với yếu tố kiểm soát thói quen sinh hoạt và ăn uống, khiến người bệnh rơi vào cảm giác sợ hãi, bế tắc khi phải chung sống với điều đó suốt đời.
Tuy nhiên, một bước tiến mới trong công nghệ sinh học trên thế giới đã tìm thấy “sự tự do” cho các bệnh nhân ĐTĐ, giúp họ điều trị dứt điểm nỗi ám ảnh này chỉ trong thời gian ngắn.
Nhiều thập kỷ qua, số lượng bệnh nhân ĐTĐ trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng với khoảng 381 triệu người (IDF 2013). Theo số liệu thống kê của Viện Y học ứng dụng Việt Nam, có tới 1,6 triệu người tử vong mỗi năm do căn bệnh này. Trong vòng 10 năm, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở Việt Nam đã tăng lên gấp đôi. Cứ 20 người trưởng thành sẽ có 1 người bị ĐTĐ. Số người bị tiền ĐTĐ cao gấp 3 lần số người bị ĐTĐ. Năm 2015 có tới 53.458 ca tử vong liên quan đến căn bệnh này.
Mới đây nhất, theo thông báo toàn cầu của IDF 2017, tỷ lệ ĐTĐ của Việt Nam năm 2017 là 5,50%, tỷ lệ điều chỉnh theo tuổi 6. Ước tính năm 2025, tỷ lệ bệnh tăng lên ở các nước phát triển là 42%, nhưng ở các nước đang phát triển (như Việt Nam) sẽ là 170%.
Nguyên nhân, triệu chứng bệnh ĐTĐ
ĐTĐ là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. ĐTĐ cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại tử...
Bệnh ĐTĐ gồm có: Loại 1 (Typ 1), Loại 2 (Typ 2, ĐTĐ mãn tính ) và ĐTĐ thai kỳ
Được biết, có khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân ĐTĐ thuộc Loại 1, phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi (<20T) và 90-95% trong tổng số bệnh nhân bệnh ĐTĐ, thường gặp ở lứa tuổi trên 40 đối với bệnh nhân ĐTĐ Loại 2, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Những triệu chứng điển hình của ĐTĐ Loại 1 là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều (4 nhiều), mờ mắt, dị cảm và sụt cân, trẻ em chậm phát triển và dễ bị nhiễm trùng; lượng nước tiểu thường từ 3 - 4 lít hoặc hơn trong 24 giờ, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng; tiểu dầm ban đêm do đa niệu có thể là dấu hiệu khởi phát của đái tháo đường ở trẻ nhỏ.
Hơi thở có mùi cũng là triệu chứng của bệnh ĐTĐ Loại 1. Khi cơ thể bạn không thể sản xuất insulin, các tế bào sẽ không nhận được lượng đường cần thiết để làm năng lượng. Cơ thể sẽ bù lại lượng thiếu hụt đó bằng cách đốt cháy chất béo. Quá trình đốt cháy chất béo sẽ sản sinh ra xeton, chất này sẽ tích tụ dần dần trong máu và nước tiểu của bạn. Nồng độ xeton cao thường gây ra hôi miệng.
Bệnh ĐTĐ Loại 2 thì ít có triệu chứng và thường chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc khi có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; khi bị nhiễm trùng da kéo dài; bệnh nhân nữ hay bị ngứa vùng kín do nhiễm nấm âm hộ; bệnh nhân nam bị liệt dương.
Nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ Loại 1
Thứ nhất do vi khuẩn và độc tố như nhiễm vi khuẩn quai bị, Coxakies virus hay các độc chất khác tạo điều kiện các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, làm suy yếu các tế bào benta của tuyến tụy. Từ đó, tuyến tụy không đủ sức để sản sinh insullin.
Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân quan trọng để xác định người bị bệnh đái tháo đường. Theo kết quả thống kê, đa số bệnh là do sự tương tác giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ Loại 2
Bệnh ĐTĐ Loại 2 được coi là bệnh tiểu đường mãn tính, do tuyến tụy không sản xuất đủ insullin hoặc cơ thể tạo ra chất chống lại sự hấp thụ của insullin.
Cũng như nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ Loại 1, yếu tố di truyền ảnh hưởng lớn đến việc có mắc căn bệnh này hay không. Bên cạnh đó, ĐTĐ Loại 2 còn do không có chế độ sinh hoạt tốt: ăn quá nhiều chất béo, chất ngọt, không tập thể dục thường xuyên làm cơ thể béo phì sẽ dễ mắc bệnh hơn những người có lối sống lành mạnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, một số phụ nữ sẽ bị bệnh ĐTĐ do lượng hoóc môn tăng lên. Tỷ lệ ĐTĐ trong thai kỳ chiếm 3-5% số thai nghén. Hiện tượng này xảy ra thoáng qua trong thời gian mang thai và thường hết sau khi sinh con. Có những trường hợp hy hữu thì người phụ nữ có khả năng bị ĐTĐ sau sinh. Do đó, trong quá trình mang thai, thai phụ nên thường xuyên khám sức khỏe và kiểm tra sự phát triển của thai nhi để biết được mình có bị ĐTĐ hay không để điều chỉnh cách ăn uống, tập luyện đúng đắn.
Biến chứng của bệnh ĐTĐ
Có thể nói, ĐTĐ là một trong những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Giống như ung thư hay HIV, bệnh tiểu đường cũng phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ, khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài thì lúc đó dường như đã quá nặng.
Những hậu quả mà bệnh ĐTĐ gây ra vô cùng nguy hiểm. Có thể kể đến như: toan xêtôn do ĐTĐ, suy thận, bệnh võng mạc, mù mắt, nhiễm trùng, loét bàn chân, hoại thư, liệt dương...
Biến chứng cấp tính: Xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Biến chứng mạn tính: ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa đường mãn tính, hậu quả là làm tăng đường huyết kéo dài. Lượng đường trong máu cao lâu ngày sẽ khiến cho quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ từ đó gây tổn thương tới các mạch máu và tế bào.
Các chuyên gia của Hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF) lưu ý rằng, có thể phát hiện tổn thương mô ở nhiều hệ thống các cơ quan trong cơ thể như thận, mắt, thần kinh ngoại biên và mạch máu là những nơi xảy ra tổn thương nhiều nhất và đưa đến một số biến chứng gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường.
Cụ thể, biến chứng gây tổn thương ở tim mạch là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp, phổ biến nhất là gây tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong.
Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng, điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục,… Rất nhiều người trong số bệnh nhân tiểu đường bị nhiều loại ung thư khác nhau.
Tê bì, châm chích, bỏng rát da hay trên đầu ngón tay, ngón chân hoặc khô ngứa da, nhức mỏi trong bắp thịt, chuột rút (vọp bẻ) về đêm, thị lực giảm sút, vết thương lâu lành, kèm theo mỏi mệt - là biến chứng thường gặp trong bệnh ĐTĐ. Theo các chuyên gia Nội tiết Đái tháo đường, có đến 50% người bệnh ĐTĐ Loại 2 bị biến chứng ngay tại thời điểm chẩn đoán. Đó cũng là lý do tại sao biến chứng ĐTĐ khó chữa trị và người bệnh tiểu đường phải đối mặt với nhiều rủi ro.
ĐTĐ có nguy cơ cao gấp 2 - 4 lần gây nên bệnh tim mạch (chiếm 75% các trường hợp tử vong) và gấp 2 - 4 lần có nguy cơ đột quỵ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc kháng isulin sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ bị nhồi máu cơ tim trước khi bệnh nhân được chuẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ cùng với nguy cơ đột quỵ. Bệnh nhân ĐTĐ tuổi trung niên có tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 2 lần đồng thời cơ bị trầm cảm cao hơn 3 - 4 lần so với người không bị ĐTĐ.
Chẩn đoán bệnh ĐTĐ
Để chẩn đoán ĐTĐ một cách cụ thể, chính xác, các bệnh nhân sẽ được đo nồng độ glucose trong máu lúc đói và sau khi ăn. Nếu trong 2 lần xét nghiệm đều cho kết quả là nồng độ glucose trong máu lúc đói từ 110 và 126 mg/dl thì coi là tiền tiểu đường, báo hiệu nguy cơ bị tiểu đường Type 2 với các biến chứng của bệnh. Nếu kết quả đo nồng độ glucose sau khi đă ăn cao hơn 200 mg/dl kèm các triệu chứng của bệnh (khát nhiều, đi tiểu nhiều và mỏi mệt) thì nghi ngờ bị bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được đánh giá sự dung nạp sau khi uống glucose. Xét nghiệm nồng độ glucose sau khi uống 2 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ này vẫn cao hơn 200 mg/dl thì chẩn đoán là bị bệnh tiểu đường Type 2.
Tóm lại:
- Rối loạn hạ đường huyết: Nếu kết quả đo mức đường máu lúc đói <70 mg/dl là có rối loạn hạ đường huyết, như kết quả đo 53 mg/dl là có thể bị hôn mê do hạ đường huyết.
- Tiền ĐTĐ: Người có mức đường máu lúc đói từ >110 mg/dl được gọi là những người có "rối loạn dung nạp đường khi đói". Mặt khác, người ta cũng ghi nhận rằng những người có "rối loạn dung nạp đường khi đói" bị gia tăng khả năng mắc các bệnh về tim mạch, đột quị hơn.
- Đái tháo đường: Đường máu lúc đói ≥126 mg/dl (≥7 mmol/l) thử ít nhất 2 lần liên tiếp. Đường máu sau ăn hoặc bất kỳ ≥200 mg/dl (≥11,1 mmol/l).
- Định lượng HbA1C: Ngoài các xét nghiệm này, HbA1C cũng là một xét nghiệm giúp việc chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường mang lại kết quả chính xác. Định lượng HbA1C đánh giá hồi cứu tình trạng đường máu 2-3 tháng gần đây. Đường máu cân bằng tốt nếu HbA1c < 6,5%.
Các xét nghiệm bổ sung
Các bác sĩ có thể sẽ thực hiện khám lâm sàng với việc kiểm tra cân nặng, huyết áp, bắt mạch ngoại biên và so sánh nhiệt độ da, khám bàn chân, khám thần kinh bao gồm thăm dò cảm giác sâu bằng âm thoa. Phát hiện và đánh giá tiến triển bệnh lý võng mạc.
Xét nghiệm: đặc biệt lưu ý creatinin, mỡ máu, microalbumin niệu (bình thường <30mg/ngày) hoặc định lượng protein niệu. Đo điện tim nhằm phát hiện sớm các biểu hiện thiếu máu cơ tim. Soi đáy mắt.
Trong một số tình huống (không phải là xét nghiệm thường qui):
- Fructosamin: cho biết đường máu trung bình 2 tuần gần nhất, có nhiều lợi ích trong trường hợp người mắc ĐTĐ đang mang thai. Nếu đường máu cân bằng tốt, kết quả <285 mmol/l.
- Peptid C (một phần của pro-insulin): cho phép đánh giá chức năng tế bào beta tụy.
- Thử đường trong nước tiểu cũng là một phương pháp được tiến hành.
Phòng ngừa và điều trị ĐTĐ như thế nào?
Điều trị ĐTĐ khá gian nan và cần sự kiên trì. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên bằng cách có sẵn máy đo đường huyết cá nhân tại nhà; bỏ thuốc lá, vận động giảm cân để tránh biến chứng đột quỵ và đau tim; thư giãn, ngủ đủ giấc để tránh stress và lo âu vì stress làm tăng sự giải phóng hormon tuyến yên ACTH, từ đó thúc đẩy giải phóng hormon cortisol từ tuyến thượng thận, còn được gọi là hormon stress, ảnh hưởng gián tiếp tới lượng đường huyết trong cơ thể.
Bên cạnh đó, chế độ ăn hợp lý là nền tảng cho kế hoạch điều trị ĐTĐ, giúp cho bệnh nhân ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn hoặc làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ bệnh nhân. Chế độ ăn hợp lý còn giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tự tin trong cuộc sống, ít có cảm giác bị tách biệt trong đời sống xã hội.
Theo đó, người bệnh nên có ba bữa ăn chính và một hoặc hai bữa ăn nhẹ mỗi ngày và đặc biệt không bỏ bữa sáng. Cũng nên ăn chậm và dừng lại khi thấy vừa đủ… Nên thay thế thực phẩm có chỉ số glycemic cao bằng các thực phẩm có chỉ số glycemic thấp; Tiêu thụ trung bình ít nhất 14g chất xơ/1000kcal/ngày nhằm phóng thích chậm đường giúp giữ lượng đường huyết trong máu tăng chậm và giúp no lâu hơn. Cụ thể: 25g/1000kcal/ngày (nữ) và 38g/1000kcal/ngày (nam); Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có đường như kem, nước ép trái cây; Tổng lượng năng lượng từ chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo dạng trans: <10% năng lượng tổng số, ăn vào dưới 300mg cholesterol/ngày; hạn chế tiêu thụ chất béo dạng trans càng nhiều càng tốt; Giảm tiêu thụ muối: <2300mg/ngày hoặc nhiều hơn; Có thể bổ sung thêm các chất béo không bão hòa đơn (MUFAs).
Thuốc là một yếu tố không thể thiếu và gắn liền với quá trình điều trị ĐTĐ với mục tiêu đưa HbA1C về khoảng 6.5-7.0% trong vòng 3 tháng.
Phối hợp điều trị bằng cách hạ glucose máu + điều chỉnh rối loạn lipid + huyết áp hợp lý + phòng chống các rối loạn đông máu.
Khi cần dùng insulin. Tuy nhiên, insulin được chỉ định dùng cho bệnh nhân ĐTĐ thuộc Typ 1, nó chỉ dùng cho bệnh nhân ĐTĐ Typ 2 khi đã thay đổi chế độ ăn, luyện tập và dùng các thuốc điều trị ĐTĐ tổng hợp mà không hiệu quả.
Tuy nhiên, insulin cũng có thể gây ra phản ứng phụ như dị ứng (sau khi tiêm lần đầu hoặc nhiều lần tiêm), hạ Glucose máu (thường gặp khi tiêm quá liều), Phản ứng tại chỗ tiêm (ngứa, đau, cứng vùng tiêm). Do gây rối loạn chuyển hóa mỡ tại vùng tiêm, tăng sinh mỡ dễ gây u mỡ, giảm sẽ gây xơ cứng (khó tiêm, đau).
Thuốc dùng cho dạng Typ 2: Các dẫn xuất của Sulfonylure có 2 nhóm:
- Nhóm 1: có tác dụng yếu, gồm Tolbutamid, Acetohexamid, Tolazamid, Clopropamid.
- Nhóm 2: có tác dụng mạnh hơn, gồm Glibenclamid, Glipizid, Gliclazid.