Chế độ ăn uống có ý nghĩa rất lớn đối với việc điều trị bệnh hen suyễn. Vì vậy, hãy lưu ý bổ sung thực phẩm lành mạnh để hiệu quả đạt tốt nhất.
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là bệnh bệnh viêm nhiễm mãn tính đường hô hấp dẫn đến làm tắc nghẽn luồng khí thở do co thắt phế quản, do sưng phù làm hẹp lòng phế quản và do đờm được tiết ra nhiều khi viêm, làm cho bệnh nhân bị ho, khó thở và khò khè tái đi, tái lại.
Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố bên ngoài như thay đổi thời tiết nóng sang lạnh, khói, bụi, sơn, phấn hoa, thức ăn hay các yếu tố bên trong như bệnh dạ dày, ruột... Do đó, ngoài việc phòng tránh những yếu tố có thể gây dị ứng, luyện tập để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì chế độ ăn uống cũng có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiểm soát căn bệnh này.
1. Thực phẩm có magnesium và acid béo Omega 3 dồi dào
Magnesium và Omega 3 có tính năng cải thiện hoạt động của phổi qua tác dụng làm giãn các lớp cơ bao quanh khí quản, tăng cường khả năng miển dịch rất tốt cho bệnh nhân hen suyễn. Magnesium có nhiều trong cà chua, táo, các loại đậu, hạt, chuối… là chất khoáng cần thiết giúp thư giãn, làm mềm các cơ trong cơ thể. Một nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng, sau khi đã kiểm soát các yếu tố khác, những người ăn từ 2-5 quả táo mỗi tuần có nguy cơ mắc hen suyễn thấp hơn, lợi ích của táo đối với chức năng phổi cũng đã được kết luận trong một nghiên cứu với 13.000 người trưởng thành ở Hà Lan.
Ngoài ra, acid béo Omega 3 trong rau lá xanh, dầu hạt cải, cá biển... có tác dụng chống viêm tự nhiên rất hữu ích cho những người có cơ địa dị ứng để ngăn chặn cơn hen và cải thiện chức năng hô hấp. Omega 3còn có thể giúp phòng ngừa bệnh hen suyễn di truyền ở trẻ nhỏ.
2. Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp phổi tránh khỏi những tổn thương trong cuộc chiến đánh bại các gốc tự do. Một số nghiên cứu cho thấy hàm lượng vitamin C trong cơ thể bệnh nhân hen thường ít hơn 50% so với những người bình thường, vì vậy đối tượng này cần phải được cung cấp đến khoảng 2g vitamin C mỗi ngày trong quá trình điều trị. Vitamin C tự nhiên có nhiều trong các loại rau quả như kiwi, cà chua, bưởi, ổi, cam, sung, dưa vàng và rau xanh như rau dền, rau diếp… sẽ có lợi cho nhóm người mắc bệnh hen. Ăn cam, táo, cà chua và nho mỗi ngày giúp trị chứng thở khò khè và viêm mũi dị ứng rất hiệu quả nhờ vào lượng chất oxy hóa cao, đồng thời chúng có khả năng khắc phục hậu quả của cơn hen. Tại Ai Cập, người bị hen suyễn được khuyên ăn nhiều nho vì nó có tác dụng làm giảm bệnh. Để trị chứng ho hen do viêm phế quản, bạn có thể ép lấy khoảng nửa cốc nước quả sung rồi hòa vào nước sôi uống, mỗi ngày một lần, dùng liên tục cho đến khi khỏi bệnh.
3. Thực phẩm chứa nhiều vitamin E
400 đơn vị vitamin E mỗi ngày là cần thiết cho người mắc bệnh hen suyễn. Có nhiều trong dầu thực vật và các loại hạt cũng có tác dụng bảo vệ và tăng cường chức năng hô hấp cho bệnh nhân hen. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những trẻ mắc bệnh này nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu dưỡng chất này ít nhất 3 lần/tuần sẽ ít có nguy cơ bị thở khò khè.
4. Thực phẩm giàu bêta-caroten
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy các loại thực phẩm giàu bêta-caroten như mơ, bí đỏ, đu đủ, gấc, cà rốt, dưa leo, đậu que, cà tím… sau khi được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh hen. Bạn có thể pha 1 ly hỗn hợp gồm 2/3 nước ép cà rốt và 1/3 nước ép cải bó xôi, ngày 3 lần, mỗi lần dùng 1 ly rất hiệu nghiệm.
Như vậy, bên cạnh những thực phẩm mà cần bổ sung thường xuyên trên, bệnh nhân hen suyễn cũng cần ăn thêm các loại như hành tây, tỏi, nghệ, ớt, tương hạt cải, bông cải xanh, các loại ngũ cốc lứt, các loại rau thơm… để tăng cường sức đề kháng, tiêu đàm, bảo vệ và làm thông lợi đường hô hấp.
Tuy nhiên, đối với những thức ăn có thể gây dị ứng đối cho cơ địa riêng của từng người thì nên chú ý kiêng cữ. Ví dụ như một số thức ăn chứa nhiều gia vị thường thấy ở các món salad, các loại uống giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, các loại trái cây khô đóng gói… Đặc biệt, các thầy thuốc khuyên bệnh nhân hen không nên ăn thịt nướng vì thịt nướng sẽ tạo ra các hợp chất carbon vốn gây mất hiệu lực của một số thuốc trị hen suyễn, như theophylline. Ngoài tương tác với thuốc trị hen suyễn, các hợp chất carbon cũng gây ra những trường hợp lên cơn suyễn.