NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE

NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG THỰC PHẨM BẢO VỆ SỨC KHỎE

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được tiêu thụ ngày càng nhiều tại nước ta cho dù người dân chưa được tư vấn nhiều về cách sử dụng loại thực phẩm này.

Chỉ hỗ trợ trong điều trị bệnh

Nhiều người cho rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe như là một loại thuốc, có tác dụng chăm sóc và điều trị bệnh. Những năm gần đây, trên một số trang mạng và cá nhân muốn bán được nhiều sản phẩm nên đã quảng cáo quá mức về tác dụng của sản phẩm, thậm chí còn thổi phồng như thuốc chữa bệnh hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan… Tuy nhiên, người dân lại chưa được tư vấn nhiều về cách sử dụng loại thực phẩm này.

Theo Ths. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc quảng cáo này đáng lên án và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, bởi chính việc quảng cáo quá mức thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh vô hình chung đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của người dân.

“Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã kiểm tra và xử lý nhiều vụ việc qua đó phát hiện có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám chữa bệnh”, bà Việt Nga cho hay.

Khi mua thực phẩm chức năng cần lựa chọn cơ sở uy tín, chất lượng.

Theo bà Trần Việt Nga, hiện nay trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn thường xuyên quảng cáo và gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền, dược sĩ, bác sĩ để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định, nhất là các sản phẩm như hỗ trợ điều trị ung thư, xương khớp, sinh lý nam, tiểu đường… Họ đã nắm bắt được tâm lý thường hay lo lắng, cộng với việc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, cũng như sợ mất thời gian, tốn chi phí của một bộ phận người dân khi đến khám chữa bệnh tại các sơ sở y tế.

“Đã là người bệnh thì phải tới cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. nếu không bệnh có thể tiến triển nặng hơn và bỏ qua giai đoạn có thể điều trị khỏi bệnh. Đã là hàng giả thì không đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho người sử dụng. Như vậy, người bệnh không những đã phải chống chọi với bệnh tật lại chịu thêm tác dụng phụ của những chất không an toàn thì càng tác động xấu tới sức khỏe, đặc biệt gan và thận sẽ là cơ quan chịu tổn thương nhiều nhất”, bà Việt Nga nhấn mạnh.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Trước thực trạng quảng cáo tràn lan này, Cục An toàn thực phẩm đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt nặng, tạm dừng lưu thông rất nhiều lô hàng đồng thời đăng công khai thông tin trên website của Cục khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác. Ngoài ra, Cục còn phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin truyền thông và cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương phối hợp giải quyết tình trạng quảng cáo và vi phạm.

“Cục sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định hiện hành và công khai thông tin trên website của Cục ATTP (vvv.vfa.gov.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng. Buộc tổ chức/cá nhân vi phạm quảng cáo phải dừng quảng cáo vi phạm, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo, buộc cải chính thông tin sai phạm đó. Nếu các công ty tiếp tục vi phạm quảng cáo sẽ bị xử lý có tình tiết tăng nặng theo quy định pháp luật. Nhiều công ty cố tình vi phạm, Cục thành lập đoàn thanh tra toàn diện đột xuất tại công ty để đánh giá mức độ chấp hành pháp luật trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồng thời tiến hành xử lý theo luật định, buộc các tổ chức cá nhân tuân thủ đúng quy định pháp luật”, bà Việt Nga khuyến cáo.

Còn với người tiêu dùng - là người chịu hậu quả cuối cùng, bà Việt Nga khuyến cáo: Cần có kiến thức, trách nhiệm với việc tiêu dùng thực phẩm nói chung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng khi mua trực tiếp và online.

“Người dân cần chọn mua các sản phẩm đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; Chọn mua ở các cửa hàng, các trang web có thương hiệu uy tín và địa chỉ rõ ràng; Chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khi nhận hàng phải quan sát kỹ thông tin trên bao bì (nơi sản xuất, ngày sản xuất, thành phần, công dụng, cách bảo quản) để tránh mua sản phẩm kém chất lượng”, bà Việt Nga lưu ý.

Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP quy định: Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Theo TNVN

Bài viết liên quan